Thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với 15 chuyên gia

01/08/2017 14:33:42

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế.

1. Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn

Tiến sĩ tài chính Vũ Viết Ngoạn (SN 1958, phường Nguyễn Trãi, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Từ 1991-1992: Học và lấy bằng Thạc sĩ về quản lý phong trào hòa bình, đại học Bocconi, Milano, Italia. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank.

Từ 2000 – 2007: Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Từ 2007 – 2011: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13.

Từ 2011 - 7/2017: Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Hàm tương đương Bộ trưởng).

Từ 7/2017 - nay: Tổ trưởng - Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

2. PGS. TS. Trần Ngọc Anh 

PGS. TS. Trần Ngọc Anh (bên phải) sinh năm 1973, có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New South Wales (Australia) và bằng tiến sĩ chính sách công tại trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ).

Ông đang là giáo sư, nghiên cứu giảng dạy về các vấn đề như tính minh bạch, tham nhũng, phát triển kinh tế và mạng lưới chính trị của các nước đang phát triển tại Đại học Indiana (Mỹ). Ảnh: VGP.

3.Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (học vị tiến sĩ kinh tế học từ trường Boston College, Mỹ) hiện là Giám đốc của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TPHCM, đồng thời là Nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là kinh tế phát triển, chính sách công nghiệp, và kinh tế học thể chế. Bên cạnh các hoạt động ở Trường Fulbright, TS.Tự Anh còn là thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông cũng là thành viên của Hội đồng khoa học Trường ĐH Quốc gia TPHCM. (Ảnh: Trí thức trẻ)

4. Tiến sĩ Vũ Bằng

Ông Vũ Bằng sinh năm 1957 ở Thái Bình. Ông là tiến sỹ kinh tế. Ông Vũ Bằng là người đã đi cùng thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu tiên, cũng là người gắn bó ngay từ những bước chuẩn bị các điều kiện khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây hơn 20 năm.

Ngày 24/5/2017, Bộ tài chính, UBCKNN đã tổ chức lễ công bố quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng.

5. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung được biết đến nhiều là một trong những người chắp bút cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp, các đề án liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế.

Ông Nguyễn Đình Cung tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Praha, Tiệp Khắc (trước đây) vào năm 1982, chuyên ngành Kinh tế ngoại thương; lấy bằng thạc sĩ ngành Kinh tế Phát triển ĐH Manchester (Anh), tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển của CIEM (Việt Nam).

Từ tháng 5/2014, TS. Nguyễn Đình Cung giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

6. GS. TS. Trần Thọ Đạt

GS. TS. Trần Thọ Đạt (SN 1959, tại Nam Định), có học vị tiến sĩ kinh tế. Hiện ông Đạt là Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nhiệm kỳ 2013-2018. Ông nghiên cứu và giảng dạy các chuyên ngành về kinh tế học, kinh tế phát triển, chính sách tài chính và tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính trong giáo dục đại học, các vấn đề kinh tế học về biến đổi môi trường.

Giáo sư Đạt cũng có một số bài viết và các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế ISI và Scopus.(Ảnh: ĐH Kinh tế quốc dân)

7. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương trong một lần yết kiến Thủ tướng với vai trò là Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp.

GS.TS Nguyễn Đức Khương (Sóc Sơn, Hà Nội), ông nhận bằng tiến sĩ ngành Quản trị Tài chính tại ĐH Grenoble khi mới 27 tuổi. TS.Khương từng giảng dạy tại Trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris.

Hiện, ông Khương đang là Phó GĐ phụ trách nghiên cứu và hợp tác khoa học quốc tế, đồng thời là Trưởng khoa Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School).

Ông cũng tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne, và nhiều trường đại học ở Việt Nam. Ông đồng thời là Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Thu hút học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Khương từng được dự án RePEc bầu chọn trong top 200 nhà kinh tế hàng đầu.

8. TS. Trần Du Lịch 

TS. Trần Du Lịch sinh năm 1952 tại Bình Định, có học vị tiến sĩ ngành Kinh tế và cao cấp quản lý Nhà nước. Ông Lịch nguyên là Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa 13, từng là Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Minh Hoàng.

9. TS. Trương Văn Phước

TS. Trương Văn Phước (SN 1959, tại Quảng Trị) - Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Ông có bằng cử nhân luật, toán điều khiển, lý luận chính trị. Ông còn có học vị tiến sĩ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng tại Đại học Kinh tế TPHCM.

Ông Phước nguyên là Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn. (Ảnh: Người Lao động).

10. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng

Ông Nguyễn Xuân Thắng khởi nghiệp là cán bộ nghiên cứu Viện Kinh tế học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Sau 3 năm nhập ngũ, ông về làm cán bộ nghiên cứu Ban Kinh tế thế giới của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau đó, ông đến LB Nga làm nghiên cứu sinh tại Viện MEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong hơn 5 năm, rồi làm cộng tác viên khoa học cho Viện này trong 3 năm.

Về nước năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng, Phó Tổng biên tập, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Từ 2007 đến 2011, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Từ 2011, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Tháng 4/2016, ông thôi giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông là ủy viên BCH TƯ khóa 11, 12.

11. PGS. TS Trần Đình Thiên

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Ông sinh năm 1958 tại Nghệ An; tốt nghiệp cử nhân khoa kinh tế học chính trị, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979.

Ông có học vị tiến sĩ kinh tế học chính trị tại Viện Kinh tế học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông hiện còn giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

12. GS. TS. Trần Văn Thọ

GS. Trần Văn Thọ có tham gia cộng tác trong các Tổ Tư vấn cải cách kinh tế hoặc trong Ban Nghiên cứu chính sách của các thủ tướng Việt Nam như Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.

Ông Trần Văn Thọ (SN 1949 tại Quảng Nam) ông bắt đầu sang Nhật du học từ năm 1967. Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo.

Ông vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo).

Năm 1990, ông là một trong ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật, ông đã ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng.

Ông là sáng lập viên Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

13. GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn

GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sinh năm 1959 tại Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1983 ngành kinh tế chính trị. Ông có học vị tiến sĩ kinh tế vào năm 1993 và được phong hàm giáo sư vào năm 2010. Ảnh: Thu Trang.

14. Ông Bùi Quang Vinh 

Ông Bùi Quang Vinh sinh năm 1953, quê quán Hà Nội. Ông là một chính khách; nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam, nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa XIII; nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khoá X, XI.

15. Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương

PGS. TS. Vũ Minh Khương sinh năm 1959, từng tốt nghiệp xuất sắc ngành toán tại Đại học quốc gia Hà Nội. Ông Khương có học vị thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, tiến sĩ về chính sách và kinh tế tại Đại học Havard (Mỹ).

TS.Vũ Minh Khương bắt đầu làm việc tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu với vai trò phó giáo sư từ năm 2006.

Nghiên cứu của ông tập trung vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, tính cạnh tranh và các vấn đề liên quan tới tác động của CNTT, chính phủ điện tử và hội nhập kinh tế. Ông có nhiều bài viết trên các tạp chí quốc tế như Scandinavian Journal of Economics, German Economics Review, Energy Policy và Journal of Policy Modeling.

Ông cũng từng làm tư vấn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, USAID, KPMG, Ngân hàng Trung ương Singapore và Cơ quan Truyền thông Singapore.

Theo danh sách thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (Tổ Tư vấn kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng. 
14 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế gồm: 
1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; 
2. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; 
3. Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 
4. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; 
5. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; 
6. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp;
7. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; 
8. Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM; 
9. Tiến sĩ Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; 
10. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;  
11. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; 
12. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản; 
13. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 
14. ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 
Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

PV