Đề cao vai trò của người dân trong quá trình quản lý sử dụng đất đai phát triển đô thị

28/05/2019 16:43:07

Chiều ngày 27/5, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tiếp tục nội dung thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử đụng đất đô thị, các đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Phát biểu trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp thu đánh giá trong báo cáo giám sát của Quốc hội và các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, báo cáo giám sát của Quốc hội được thực hiện công phu khoa học, đầy đủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ và địa phương và doanh nghiệp.

Đô thị Việt Nam đã khẳng định vai trò, động lực phát triển kinh tế

Báo cáo thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kể từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành thì công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai và phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai được tập trung xây dựng, hoàn thiện. Đây là nhân tố quyết định để tạo lập môi trường pháp lý huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội nói chung và đặc biệt là phát triển đô thị. Đây cũng là công cụ pháp lý quan trọng để tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị, sử dụng đất đai, ngày càng hiệu quả tránh thiết hại của Nhà nước và người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số kết quả tích cực như công tác quy hoạch liên quan đến sử dụng đất tại đô thị được đẩy mạnh, công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị đạt nhiều kết quả quan trọng từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam. Hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, tạo ra nhiều khu đô thị mới, nhiều không ian đẹp, nhiều khu nhà ở chất lượng có tầm vóc khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng khẳng định, với những kết quả đó, đô thị Việt Nam đã khẳng định vai trò, động lực phát triển kinh tế. Đô thị đã thực sự trở thành hạt nhân, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương và của cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đầu tư phát triển đô thị thiếu kế hoạch

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều tồn tại hạn chế, cần phải có giải pháp khắc phục. Cụ thể là xu hướng tập trung hóa đô thị ngày càng gia tăng, do người dân tập trung về các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm, tìm đến điều kiện cuộc sống tốt hơn tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng hiệu quả sử dụng đất đai tại đô thị. Trong khi đó việc đầu tư hệ thống hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ nên dẫn đến quá tải về hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ…Việc đầu tư phát triển các đô thị vùng, đô thị vệ tinh còn thiếu nguồn lực. Cơ cấu sử dụng đất tại các đô thị chưa phù hợp, cơ cấu nhà ở còn nhiều bất cập, mới chú ý đến phát triển nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp nhưng nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp lại rất ít được quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tiếp thu và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng đang thách thức đến phát triển bền vững tại các đô thị. Đặc biệt là tình trạng sử dụng đất đai còn lãng phí thất thoát, thiệt hại đến kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập dẫn đến người dân khiếu kiện, có nơi xảy ra điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng còn những khoảng trống nhưng vẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Công tác lập quy hoạch một số nơi còn chậm so với yêu cầu phát triển dẫn đến khi có quy hoạch rồi lại điều chỉnh dự án cũ, ảnh hưởng nhà đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng lớn. Chất lượng nhiều quy hoạch còn chậm, công tác điều chỉnh bổ sung quy hoạch chậm được thực hiện. Điều bức xúc nhất hiện nay là điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, tăng tầng cao, tăng mật độ xây dựng, giảm không gian công cộng, tăng dân cư đô thị và tạo ra các khi đô thị chật chội, không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người dân và nhà nước.

Việc đầu tư phát triển đô thị trong đó có phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, dịch vụ mới chỉ tuân thủ quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch, dẫn đến đầu tư phát triển đô thị theo phong trào ở nhiều nơi, không phù hợp với nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn lực, làm lệch pha cung cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, nguy cơ đến nền kinh tế. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các dự án treo, đát treo, đất bỏ hoang, quy hoạch treo.

Việc lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển đô thị chưa được chú trọng dẫn đến không ít nhà đầu tư thiếu năng lực thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả sử dụng đất. Đây cũng chính là nguyên nhân của các dự án treo.

Công tác quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch sử dụng đất đai đô thị còn nhiều hạn chế trong kiểm soát tầng cao, mật độ dân cư. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sử dụng đất đai, phát triển đô thị còn thiếu chặt chẽ, chậm phát hiện sai phạm hoặc phát hiện sai phạm nhưng không xử lý để lại hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định giá đất trong các dự án đầu tư xây dựng ở đô thị và định giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa là những vấn đề cốt lõi gây thiệt hại cho Nhà nước nếu không được khắc phục.

Đề cao vai trò của người dân trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành và địa phương phải tập trung vào một số nhiệm vụ.

Một là rà soát hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tại đô thị, đầu tư xây dựng tại đô thị.

Hai là, tập trung vào công tác quy hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định  pháp luật, bảo đảm tính khoa học, tính phát triển, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn trong từng thời kỳ, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết và giám sát.

Ba là, tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và phải có kế hoạch. Các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị hàng năm, 5 năm và dài hạn căn cứ vào nhu cầu phát triển và nguồn lực thực hiện nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo. Phải lựa chọn các dự án để ưu tiên đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào thiếu kế hoạch, kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

Năm là, kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất, đảm bảo tính công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiết hại cho nhà  nước.

Sáu là, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ: đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm; chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tập trung và thay vào đó là cơ cấu sử dụng đất hợp lý để tăng cường không gian công cộng. Rà soát bảo đảm không gian công cộng cho người dân, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch sử dụng không gian ngầm. Quản lý chặt việc người nước ngoài sở hữu nhà ở, đất đai tại Việt Nam.

Bảy là, tăng cường quản lý, kiểm soát, sử dụng đất đai, phát triển đô thị trên toàn quốc. Trong đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tám là, tổ chức bộ máy quản lý đất đai, phát triển đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chín là, cần tiếp tục tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, vai trò của đại biểu Quốc hội và Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, đề cao vai trò của người dân tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Bảo Yến - Nhóm ảnh