Biến rừng nghèo thành vàng!
Người làm nghề rừng phải giàu được nhờ rừng, đó là tinh thần mà Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra. Thực tế ở nhiều nơi, trồng rừng đang là con đường làm giàu thực sự.
Từ chuyện phá rừng… để trồng rừng!
Khoảng mười năm về trước, Sơn Động từng là một điểm nóng về nạn phá rừng. Sở dĩ tình trạng phá rừng ở Sơn Động lúc ấy rất phức tạp, bởi rừng nghèo kiệt thì bát ngát, nhưng dân lại không có đất để trồng rừng. Rừng lúc đó đại đa số trên danh nghĩa vẫn là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thuộc quản lí của các Ban quản lí rừng. Tiếng là rừng tự nhiên, trông xa có vẻ xanh um, nhưng tới gần chỉ toàn cây bụi, cây gỗ nhỏ còng queo.
Từ điểm nóng về phá rừng, hiện gần như 100% diện tích đất lâm nghiệp ở Sơn Động đã được phủ xanh nhờ chủ trương cho phép trồng rừng kinh tế |
Những năm 2007 - 2008, phong trào trồng rừng đã bắt đầu nhen nhóm ở Sơn Động. Một số hộ dân chuyển từ trồng ngô, trồng sắn sang trồng rừng kinh tế (lúc ấy đa số vẫn là bạch đàn) đã bắt đầu cho thu hoạch những vụ đầu tiên có giá trị. Điều đó càng khiến cho cơn khát đất trồng rừng của người dân bùng lên. Người ta ngày đêm ngấm ngầm, lén lút chặt, lấn dần sang các diện tích rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng kinh tế, thậm chí cả ở những diện tích rừng mà nhà nước đã giao cho chính họ để khoanh nuôi bảo vệ.
Trước những nhức nhối này, cuối năm 2009, UBND tỉnh Bắc Giang đã phải có quyết định về việc cho phép chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang rừng sản xuất. Theo đó, đã có khoảng hơn 40 nghìn ha rừng trên toàn tỉnh (bao gồm gần 1.450ha rừng đặc dụng và trên 38 nghìn ha rừng phòng hộ) được phép chuyển từ các Ban quản lí rừng về cho UBND các huyện để giao lại cho người dân sản xuất. Tại huyện Sơn Động, trong giai đoạn từ năm 2008 - 2012, gần 12 nghìn ha rừng phòng hộ do các Ban quản lí rừng và các Cty lâm nghiệp đã được bàn giao về cho UBND huyện quản lí và giao lại cho người dân trồng rừng kinh tế.
Rừng đẻ ra vàng
Xin chưa phân tích và so sánh sự khác nhau về giá trị bảo hộ và bảo vệ môi trường giữa rừng phòng hộ và rừng kinh tế, tuy nhiên thực tế ở huyện Sơn Động, sau giai đoạn tỉnh Bắc Giang có chủ trương cho phép chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ sang cho người dân trồng rừng kinh tế, đến nay, bộ mặt về môi trường, đời sống của người dân ở đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt.
Không còn cảnh những quả đồi trọc nham nhở như trước đây, dọc quốc lộ 31 ngược lên trung tâm huyện Sơn Động bây giờ, một màu xanh ngút ngàn đã được bao phủ. Chỉ sau 7 - 8 năm gần đây, Sơn Động đã trồng được trên 10 nghìn ha rừng, đưa tổng diện tích rừng trồng toàn huyện lên tới gần 30 nghìn ha (trong tổng số khoảng 65 nghìn ha rừng toàn huyện). Không chỉ đưa màu xanh trở lại cho rừng núi, một ngành kinh tế lâm nghiệp giúp làm giàu cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã hình thành thực thụ.
Hữu Sản có gần 90% là người đồng bào dân tộc Tày, trước đây là xã đặc biệt khó khăn điển hình của huyện Sơn Động. Ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã bảo rằng, ông chỉ nhớ khi lớn lên thì đã thấy những ngọn núi ở Hữu Sản chẳng còn rừng nữa. Chẳng đâu xa, khoảng trước năm 2010, đại đa số đồi núi ở Hữu Sản là đồi trọc, mỗi năm dân chỉ trồng theo kiểu được chăng hay chớ một vụ ngô, sắn, lúa nương…, còn lại thì chỉ có cỏ tranh mới mọc nổi.
Thế nhưng kể từ khi phong trào giao đất để người dân trồng rừng kinh tế mở ra ở nhiều xã lân cận, Hữu Sản theo đó đã có bước đổi thay ngoạn mục. Chỉ trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây, hơn 95% diện tích đất lâm nghiệp toàn xã đã phủ một màu xanh bạt ngàn, trong đó chủ yếu là rừng trồng kinh tế với cây keo lai là đối tượng cây lâm nghiệp chủ lực. Với chu kỳ trồng cây keo lai chỉ khoảng 5 năm, từ năm 2016 đến nay, một số diện tích rừng trồng của các hộ dân đã cho thu hoạch lần đầu.
Trồng rừng đang là con đường làm giàu hiện hữu cho người dân ở huyện Sơn Động |
Anh Lê Văn Bộ ở thôn Dần 1 (xã Hữu Sản) bảo rằng, nếu không có trồng rừng, ngôi nhà khang trang với tổng chi phí gần 200 triệu đồng như bây giờ có lẽ chỉ mãi là ước mơ. Gia đình anh trước đây là hộ nghèo có tiếng trong xã, trước năm 2012 còn ở nhà tranh, vách đất. Nhà có 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nên chẳng cần kể lể cũng biết cơ cực thế nào.
Sau ngày Lâm trường Sơn Động giải thể, gia đình anh được xã bàn giao gần 3ha đất rừng (trước đây là rừng nghèo, chỉ có nứa và thông) để chuyển mục đích sử dụng sang trồng rừng SX. Chu kỳ đầu tiên được anh trồng từ năm 2007 nhờ có nguồn giống keo lai hỗ trợ của chương trình trồng rừng dành cho các xã nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ. Sau 5 năm chăm sóc, rừng đã không phụ công người.
Cuối năm 2012, mặc dù giá gỗ lúc ấy còn rất rẻ, tuy nhiên với hơn 3ha ban đầu, đã giúp gia đình anh có trong tay hơn 100 triệu đồng để xây nhà. Ngày cầm trên tay khoản tiền bán rừng, vợ chồng anh mừng phát khóc. Khóc vì chưa bao giờ có tiền nhiều đến thế. Thấy trồng rừng có tiền, anh tiếp tục mượn thêm đất để mở rộng trồng keo lai. Cuối năm 2016, lứa keo lai thứ hai gần 5ha đã cho thu hoạch, trừ tất cả chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp anh trả hết cho món nợ xây nhà, mà còn dư giả để mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy xịn…
Hộ anh Bộ chỉ là một ví dụ cho sự đổi thay của trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu nhờ trồng rừng ở Hữu Sản. Với diện tích trung bình từ 2 ha/hộ trở lên (có hộ sở hữu 30 - 40ha), mỗi chu kỳ cây keo lai kéo dài từ 4 - 5 năm đã có thể đem lại thu nhập cho bà con nơi đây từ 60 - 70 triệu đồng/ha.
Có cung ắt có cầu, mới đây, đã có 2 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ đầu tư dây chuyền chế biến trên địa bàn xã, cùng nhiều cơ sở thu mua, cung ứng giống cây lâm nghiệp. Những quả đồi chỉ 5 - 7 năm trước đây cho không ai nhận, bây giờ có giá trị chuyển nhượng lên tới hàng trăm triệu đồng/ha. Dù chỉ mới ở những giai đoạn đầu tiên, nhưng rừng ở Hữu Sản nói riêng cũng như hàng loạt xã khác ở Sơn Động đã thực sự đẻ ra vàng. Bóng dáng của một ngành kinh tế lâm nghiệp hàng hóa đang hừng hực chuyển mình từng ngày ở đây.
Từ chỗ là điểm nóng về phá rừng, đến nay, với gần 83% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, gần như 100% diện tích đất lâm nghiệp ở Sơn Động đều đã có che phủ rừng. Từ những bờ suối cho tới những vỉa hè đường giao thông, tất cả đều rợp mát, không còn để bất kỳ một mảnh đất trống nào. Giữa mùa mưa, nhưng những con suối ở Sơn Động vẫn hiền hòa, nước trong leo lẻo, không thể tìm đâu ra cảnh lũ cuộn đục ngầu như nhiều nơi ở miền núi phía Bắc. |
LÊ BỀN
Theo nongnghiep.vn