Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

07/09/2017 08:44:08

 

Sáng 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 429 phiếu tán thành, chiếm 86,84% tổng số đại biểu Quốc hội.

Sáng 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 429 phiếu tán thành, chiếm 86,84% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 27 chương, 689 điều quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

 

Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101), nhiểu ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam. Vì vậy, đề nghị giữ quy định hai loại chủ thể này trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), đồng thời bổ sung cụm từ "chủ thể khác" sau cụm từ "cá nhân, pháp nhân" quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và khoản 1 Điều 2 của Dự thảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau: Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) do Chính phủ trình sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 303/366 phiếu tán thành về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân như dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của Bộ luật dân sự (sửa đổi) như trong dự thảo.

Về bảo vệ quyền dân sự (các điều 2, 5, 6 và 14), nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để cụ thể hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong Bộ luật dân sự hiện hành (Điều 3 Bộ luật dân sự 2005). Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong dự thảo Bộ luật.

Về chuyển đổi giới tính (Điều 37), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến tán thành với dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:

Việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.

Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một Điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "nếu người thứ ba có yêu cầu" tại khoản 2 Điều 124, vì khoản này nên quy định bản chất của giao dịch dân sự vô hiệu chứ không nên quy định việc Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch dân sự phụ thuộc vào yêu cầu của một chủ thể nhất định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý khoản 2 Điều 124 như sau: “2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Theo Cổng thông tin điện tử QUỐC HỘI