Những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2018
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, các trường hợp tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt là một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 này.Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, các trường hợp tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt là một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 này.
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4.Theo đó, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cũng theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.
Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau: Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm), trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/4.
Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy, để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn...
Trường hợp được giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Khách hàng là bên thụ hưởng đáp ứng các điều kiện dưới đây: Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư này có hiệu lực từ 2/4.
Sử dụng ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền
Có hiệu lực từ 10/4, Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan.
Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
Quy định mới trong tuyển sinh đại học 2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ 16/4/2018.
Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Theo quy định hiện hành, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm).
Thông tư cũng quy định, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thì căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Về tổ chức xét tuyển, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Trước ngày 01 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường xác định theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GDĐT ban hành.
Vũ Đậu (T/h)