Bộ Tư pháp: Sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018
Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018. Đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước ở Trung ương tham dự. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chủ trì tại Bộ Tư pháp.
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 với nội dung trọng tâm là xây dựng hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo.
Hoàn thành 116/161 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
Bộ Tư pháp đã hoàn thành 116/161 nhiệm vụ chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; đã cắt giảm 49/94 điều kiện kinh doanh; chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, xếp thứ 4/19 bộ, ngành; xếp thứ 3/19 bộ, ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử…
Về công tác xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho biết, các bộ, ngành địa phương tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018, thông qua 07 luật và cho ý kiến 08 dự luật khác; các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 449 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 1.272 văn bản QPPL cấp tỉnh, 923 văn bản QPPL cấp huyện, 5.600 văn bản QPPL cấp xã.
Về thẩm định, Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự thảo, 24 đề nghị xây dựng văn bản QPPL, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định trên 380 dự thảo, các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã thẩm định 3.000 dự thảo.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tiếp cận pháp luật có chuyển biến, đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 8 tháng đầu năm (tính cả 2 tháng cuối năm 2017) về việc thi hành xong trên 389 nghìn việc, về tiền thi hành xong trên 19 nghìn tỷ. Thi hành án hành chính đã thi hành xong 145 việc và 102 việc đang tiếp tục thi hành.
Đã mở rộng và triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 28 tỉnh/thành phố
Cũng theo báo cáo, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật; thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng thực hiện và có nhiều điểm sáng.
Bộ Tư pháp đã mở rộng và triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 28 tỉnh/thành phố; đăng ký khai sinh mới cho trên 01 triệu trường hợp, giải quyết gần 2.500 hồ sơ quốc tịch; các địa phương đã giải quyết trên 1.300 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, 220 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; các Sở Tư pháp đã cấp trên 263 ngàn phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp trên 1.600 phiếu; Trung tâm Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giải quyết gần 445.000 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin.
Trong 06 tháng đầu năm, các luật sư đã tham gia gần 110.000 việc, nộp thuế gần 118 tỷ đồng; các tổ chức bán đấu giá ở các địa phương đã tổ chức đấu giá thành trên 12.000 cuộc, nộp ngân sách nhà nước hơn 446 tỷ; Bộ Tư pháp đã giải quyết trên 2.200 yêu cầu ủy thác tư pháp; đàm phán, cấp 08 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài; xây dựng, đàm phán và ký kết 13 Thỏa thuận hợp tác, chương trình, kế hoạch hợp tác, thực hiện những nội dung đã thống nhất tại 20 Bản Thỏa thuận hợp tác đã ký. Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị đã tiếp 114 lượt công dân, tiếp nhận, xử lý 275 đơn khiếu nại, 29 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền. Các công tác khác của Bộ Tư pháp cũng đạt được những kết quả nhất định.
Để thực hiện công tác tư pháp 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 05 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm nhiệm vụ về tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật; thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành; tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng lý, quản lý hộ tịch…
Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật
Chúc mừng Bộ Tư pháp đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ đề ra, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc khẳng định, Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, thi hành pháp luật và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đồng chí đề nghị, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trao đổi thông tin để công tác phòng chống tham nhũng, công tác tư pháp tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền mong rằng TANDTC sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp đối với các dự thảo văn bản, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền cho biết, mặc dù Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật không áp dụng đối với TANDTC và VKSNDTC, nhưng hiện nay TANDTC cũng đang thực hiện công tác tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hệ thống tòa án. Do vậy, đồng chí đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Quốc hội ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật để có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các cơ quan.
Nhắc đến những con số ấn tượng trong công tác Thi hành án dân sự, đồng chí cũng đề nghị, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền, TANDTC cũng sẽ chỉ đạo tòa án các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Về trợ giúp pháp lý, TANDTC cũng đã có chỉ đạo tòa các cấp tạo điều kiện để Trung tâm trợ giúp pháp lý có thể đặt cơ sở trợ giúp pháp lý trong tòa án để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Về công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, đồng chí cho rằng, công tác gửi cán bộ sang Học viện Tư pháp đã có thời gian ngắt quãng, do đó, đồng chí đề nghị Hai bên kết nối lại, TANDTC sẽ gửi cán bộ của mình tham gia đào tạo về nghiệp vụ xét xử trong thời gian tới. Thông tin về việc TANDTC thực hiện thí điểm mô hình hòa giải đối thoại tại tòa án ở Hải Phòng, đồng chí mong Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương ủng hộ việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật hòa giải đối thoại tại tòa án.
Đồng chí Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao kết quả của Bộ, Ngành Tư pháp, và ấn tượng về những “con số biết nói” như chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 4/19 bộ, ngành; ông đặc biệt ấn tượng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin vì Bộ Tư pháp mặc dù là bộ xây dựng pháp luật nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 lại rất mạnh mẽ với việc xếp thứ 3/19 bộ, ngành; bên cạnh đó là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, vì theo ông việc cắt giảm không hề đơn giản. Ông cũng cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, thẳng thắn nhìn vào bất cập hạn chế và đưa ra những giải pháp quan trọng, đã được các bộ, ngành đánh giá cao cũng là điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ, Ngành.
Khẳng định mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ Tư pháp và Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ông cũng đưa ra nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đến từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và nhiều Sở Tư pháp qua truyền hình trực tuyến.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời
Phát biểu kết luận Hội nghị, ngoài việc biểu dương những kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, bất cập trong chất lượng xây dựng pháp luật khi số văn bản chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận tăng lên, trong đó có nguyên nhân từ trách nhiệm thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng cũng phê bình một số lĩnh vực của ngành chưa thực sự chuyển biến, chưa có trọng tâm, trọng điểm; quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Bộ, với các bộ, ngành chưa thật chặt chẽ…
Để tiếp tục khắc phục những hạn chế, giải đáp những vướng mắc trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế rà soát lại chương trình công tác theo kế hoạch để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, pháp chế các bộ, ngành cần thực sự quan tâm đến các dự án luật được giao chủ trì. Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết đang sửa đổi Thông tư 23 nên trong quá trình sắp xếp các phòng, đơn vị thuộc Sở cần bám sát tinh thần Thông tư 23 để tham mưu phù hợp cho chính quyền địa phương.
Theo Bộ trưởng, trong ngành Tư pháp có 2 đơn vị sự nghiệp là phòng công chứng và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Với chủ trương hiện nay, Sở Tư pháp phải tham mưu cho UBND để 2 đơn vị này tự chủ được. Bộ trưởng cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng cũng yêu cầu tư pháp địa phương lưu ý giải quyết giấy tờ hộ tịch cho người dân di cư tự do ở các địa phương vùng biên; Đối với công tác thi hành án dân sự phải đạt được ít nhất 2 chỉ tiêu về việc, về tiền; đặc biệt, công khai trả lời các kiến nghị của địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Bộ…
AN NHƯ (moj.gov.vn)