Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 7-2018 (P1)

10/07/2018 16:00:10

(PLO)-Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 7-2018. PLO xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý...

Ủy quyền tham gia tố tụng

Pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.

(Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa, có hiệu lực thi hành từ 1-7 đến ngày 15-8-2022-ngày Nghị quyết 42/2017QH14 hết hiệu lực quy định)

Được dùng smartphone sao chụp hồ sơ, tài liệu

Việc yêu cầu cung cấp thông tin của công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp được thực hiện trong trường hợp nhiều người trong tổ chức có cùng yêu cầu tiếp cận đối với thông tin giống nhau. Tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm cử người đại diện để thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin.Danh sách những người yêu cầu cung cấp thông tin phải có đầy đủ các nội dung sau: Họ, tên; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu và lý do, mục đích của từng người yêu cầu.

Người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm cho phép người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng điện thoại di động và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để sao, chụp văn bản, hồ sơ tài liệu; bố trí địa điểm đọc, nghe, xem, ghi chép, sao chép, chụp thông tin để cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan; bố trí thiết bị tại trụ sở cơ quan, tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video...

Phải công khai Danh mục thông tin trên Chuyên mục về tiếp cận thông tin tại website của cơ quan; trường hợp chưa có website, phải niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan hoặc có hình thức công khai khác thuận lợi cho công dân trong việc tiếp cận thông tin.

(Nghị định 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định)

Tạm ngừng hoặc bãi bỏ hương ước, quy ước

Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện một phần hoặc toàn bộ khi có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật và nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng;

Chưa được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận mà vẫn thực hiện.

Hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ khi bị tạm ngừng thực hiện theo quy định nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế; Đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua…

(Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định).

5 điều kiện được hưởng án treo

Các điều kiện được hưởng án treo: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm.

Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.

(Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định).

Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương

Gây oan san, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai.

Mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 - 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 - 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;

Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 - 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Ngoài ra, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.

(Nghị định 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định)

Bán hàng đa cấp phải được đào tạo về pháp luật

Người tham gia bán hàng đa cấp phải được đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kết thúc khóa đào tạo phải làm bài kiểm tra.

Theo đó, khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Chương trình đào tạo gồm 5 nội dung, gồm: Tổng quan về bán hàng đa cấp; Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp bán hàng đa cấp; Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Pháp luật về quảng cáo.

(Thông tư 10/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 15-7 quy định).

L.THANH (PLO.VN)