Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 7-2018 (P2)
(PLO)-Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 7-2018. PLO xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý.
Thống nhất giá khám chữa bệnh BHYT
Từ 15-7, giá khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 33.100 đồng; bệnh viện hạng II là 29.600 đồng, hạng III là 26.200 đồng, hạng IV và trạm y tế xã là 23.300 đồng. Hội chẩn để xác định ca bệnh khó là 200.000 đồng.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh Hồi sức cấp cứu dao động từ 221.200 đồng - 401.300 đồng, tùy từng hạng bệnh viện.
Giá dịch vụ siêu âm là 38.000 đồng; chụp X quang phim từ 47.000 đồng - 66.000 đồng
Người bệnh vào khoa cấp cứu, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ không phải trả tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp chỉ phải trả bằng 50% tiền giường. Đặc biệt, bệnh viện bố trí nằm ghép 2 người/giường chỉ được BHXH thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh, nằm ghép 3 người thanh toán 1/3 mức giá.
(Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7 quy định).
Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp
Dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.
Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan.
Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án;
Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
(Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 10-7 quy định).
Trường hợp can thiệp sớm đối với ngân hàng
Có 4 biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng gồm: Khuyến nghị, cảnh báo; Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Áp dụng can thiệp sớm; Kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Biện pháp can thiệp sớm được áp dụng với tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong 6 tháng liên tục; xếp hạng dưới mức trung bình…
Khi nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện trong thời hạn 30 ngày. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 1 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước.
(Thông tư 04/2018/TT-NHNN của NHNN Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định).
Danh mục sản phẩm gây mất an toàn
Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TTTT, gồm: thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ra đa, thiết bị vô tuyến cự ly ngắn, máy tính cá nhân để bàn, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính chủ, thiết bị điện thoại không dây, pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng…
Các sản phẩm, hàng hóa đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy trước ngày 1-7 được tiếp dụng áp dụng quy định cũ cho đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy.
(Thông tư 04/2018/TT-BTTTT Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định).
Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ tái cấp vốn hoặc áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Trong đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng phải đảm bảo điều kiện sau: Tối thiểu bằng 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 70% trở lên;
Tối thiểu bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 40% đến dưới 70%.
(Thông tư 14/2018/TT-NHNN biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, hiệu lực từ ngày 13-7 quy định).
Quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm sữa tươi
Theo Quy chuẩn, sữa tươi nguyên liệu phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 6°C bằng các thiết bị, dụng cụ lạnh chuyên dùng cho thực phẩm, không gỉ, không thôi nhiễm vào sữa, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sữa tươi nguyên liệu có màu sắc từ màu trắng ngà đến màu kem nhạt; mùi, vị đặc trưng của sữa tươi tự nhiên; có trạng thái là dịch thể đồng nhất, không có tạp chất lạ nhìn thấy bằng mắt thường. Bên cạnh đó, sữa tươi nguyên liệu phải có hàm lượng chất khô từ 11,5% trở lên; hàm lượng chất béo từ 3,2% trở lên; hàm lượng protein sữa từ 2,7% trở lên; hàm lượng chì tối đa 0,02mg/kg…
(Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định).
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Người nhận chuyển giao công nghệ nông nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông. Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham gia, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định.
Hỗ trợ đến 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đến 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình…
(Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, có hiệu lực từ ngày 10-7 quy định).
L.THANH(PLO.VN)