Giá nông sản hôm nay 6.7: Cung thắt chặt, cà phê giữ giá tốt; cao su tăng tới 60%

06/07/2017 08:26:45

Giá nông sản hôm nay (6.7), dự báo giá cà phê nội địa duy trì ở mức giá tốt, và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài do lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của niên vụ 2016/2017 không còn nhiều. Trên thị trường xuất khẩu, mặt hàng cao su đã có bước chuyển mình ngoạn mục so với cùng kỳ năm 2016 khi 6 tháng qua, giá bán đã tăng tới 59,8%.

Giá cà phê tiến sát mức 46.000 đồng/kg

Trên thị trường cà phê nội địa ngày 5.7, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã lấy lại 100 đồng, đưa giá giao dịch về mức 45.300 – 45.900 đồng/kg của phiên 3.7. Duy nhất chỉ có cà phê ở Buôn Hồ (Đăk Lăk) được giao dịch ở mức 46.000 đồng/kg. Thị trường nội địa ghi nhận một số lượng hàng gửi kho đáng kể vừa được chốt giá.

Giá nông sản hôm nay (6.7), dự báo giá cà phê nội địa vẫn duy trì giá tốt theo xu hướng tăng của giá cà phê thế giới. Ảnh minh họa.

Tại khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta theo giá FOB phiên 5.7 cũng tăng trở lại theo đà tăng trên sàn giao dịch kỳ hạn, với mức tăng nhẹ 3 USD/tấn, chốt tại 2.079 USD/tấn, mức trừ lùi 70 USD/tấn. 

Trên sàn giao dịch New York, sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh các thương nhân đã nhanh chóng giao dịch trở lại. Theo đó, giá cà phê arabica tại thị trường này kỳ hạn tháng 9.2017 có lúc chạm mức 131.20 cent/lb, nhưng rồi lại giảm giảm xuống khi có tin chính xác rằng thời tiết tại Brazil xấu đi nhưng chưa rét đậm, chưa hại cây cà phê. Chốt phiên ngày 5.7, giá kỳ hạn tháng 7 tăng 1,80 cent/lb, lên mức 127,65 cent/lb; giá kỳ hạn tháng 9 tăng 2,3 cent/lb, giao dịch dừng ở mức 130 cent/lb, với 21.048 lô cà phê được mua bán. 

Chốt phiên hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn giao ngay tháng 7 đã tăng thêm 14 USD, lên 2.181 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng nhẹ 3 USD, lên 2.149 USD/tấn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch rất thấp, kỳ hạn tháng 9 chỉ đạt hơn 8.000 lô.

 Giá cà phê tham khảo tại khu vực Tây Nguyên ngày 5.7. Nguồn: tintaynguyen.com

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Brazil đã thông báo xuất khẩu cà phê trong tháng 6 của nước này giảm 159.238 bao, tức giảm 7,71% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số 1.905.101 bao. Có ý kiến cho rằng, con số báo cáo này sẽ tác động đáng kể lên thị trường New York trong ngày hôm nay. 

Giá cao su tăng vọt

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su trong nước duy trì thế vững trong tháng 6.2017. Như vậy, giá mủ cao su gần như ít có biến động trong vòng 2 tháng qua. Cụ thể, tại Sông Hinh (Phú Yên), thương lái đang thu mua với giá 10.500 đồng/kg mủ đông, tăng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

 Người dân huyện Sông Hinh cạo mủ cao su. Ảnh: Internet

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, giá cao su nguyên liệu trong nước đã tăng khá mạnh, với mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tăng 2.700 đồng/kg, từ 10.300 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg.

Theo Bộ NNPTNT, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 6 năm 2017 của nước ta đạt 100.000 tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 462.000 tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1.957 USD/tấn, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 61,1%, 5,1% và 4,6%. 

Giá hồ tiêu không đổi

Hôm qua, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vẫn không đổi so với các phiên gần đây, dao động hẹp trong khoảng 76.000 – 78.000 đồng/kg. 

 Giá hồ tiêu tham khảo tại nội địa ngày 5.7. Nguồn: tintaynguyen.com

Tại thị trường Ấn Độ, giá tiêu giao ngay cũng chững lại trong phiên 4.7, ở mức 49.000 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.000 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng lên lần lượt 8.125 USD/tấn và 8.375 USD/tấn.

Thông tin đáng chú ý trên tờ The Phnom Penh Post cho thấy, diện tích trồng tiêu phát triển nhanh chóng ở Campuchia cùng lúc với giá cả trên thế giới gia tăng đã dấy lên mối lo ngại sản lượng hạt tiêu tăng mạnh tại đất nước này, và có thể khiến thị trường rớt giá vụ mùa tới và thúc đẩy ngành này sụp đổ.

Ông Hean Vanhan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết, tổng sản lượng hạt tiêu tại Campuchia đã tăng gấp đôi vào năm ngoái và đã tăng lên gấp 8 lần kể từ năm 2013. Thực tế này đã gây ảnh hưởng lên nguồn cung toàn cầu do sản lượng gia tăng tương tự ở các quốc gia sản xuất hạt tiêu lớn khác. Cụ thể, tổng sản lượng hạt tiêu đã tăng lên 20.054 tấn trong năm nay, so với 11.819 tấn vào năm 2016 và chỉ 2.498 tấn hồi năm 2013.  Hiện nay người dân Campuchia đã trồng hơn 5.000ha tiêu so với chỉ 400ha vào năm 2013.

Hiện giá tiêu đen tại thị trường Campuchia đã giảm xuống còn 3,5 USD/g, thấp hơn mức đỉnh vào năm 2014 là 10,5 USD/kg. Sự suy giảm này đã khiến cho người trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn. 

Theo Minh Huệ - Báo Dân Việt