Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội

09/10/2018 15:09:52

Sáng 09/10 tại Tp. Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 11 với nhiều nội dung quan trọng. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Trong buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận 2 nội dung: Việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014 của Quốc hội khoá 13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Tham dự buổi họp còn có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ...

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2015 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%. Cả nước có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a. Ngân sách được phê duyệt dành cho giảm nghèo là 41.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng chỉ đạo từng bước giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn. Từ 2016 - 2018, vốn bố trí cho Chương trình dự án 30a và 135 là hơn 19.000 tỷ đồng. Trên 1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

Trong khi đó dự thảo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban các vấn đề xã hội chỉ ra nhiều hạn chế như: Việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, tuy đạt được nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ tái nghèo cao, số hộ nghèo phát sinh lớn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng chưa được thu hẹp, nhất là ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đáng chú ý là tỷ lệ người có công thuộc hộ nghèo còn khá lớn, chiếm 1,42% tổng hộ nghèo.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã trực tiếp đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ về những băn khoăn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo:

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi băn khoăn: "Một là tại sao không bố trí vốn đúng kế hoạch được? Thứ 2 là thẩm định vốn kéo dài. Thẩm định vốn kéo dài thì chúng ta đang sửa luật đầu tư công và 1 số luật thì coi như cũng có ảnh hưởng đi nhưng nó cũng có nguyên nhân từ Bộ Kế hoạch đầu tư chứ không phải hoàn toàn không có đâu. Thứ 3 là tại sao giải ngân chậm, vốn đến giữa năm với cuối năm mới phân bổ".

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, giao vốn cho địa phương phải họp rồi phân bố, rồi lấy danh mục rồi mới bố trí nên triển khai chậm. Do phân cấp, giao cho huyện còn bất cập, đa số công trình cấp xã quy trình thủ tục còn chậm.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho biết, hiện nay trong các báo cáo chưa nhắc đến chúng ta đã dành bao nhiêu tiền? Tất nhiên nói con số tuyệt đối thì khó chứ ít nhất là có con số đáng tin cậy để biết là cả xã hội chúng ta đã dành bao nhiêu tiền cho sự nghiệp này. Con số này phải được xác định. Một là để thấy trách nhiệm xã hội của chúng ta lớn đến như thế đó. Thứ 2 nữa là chúng ta cũng tính được hiệu quả của đồng tiền này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của các bộ ngành, địa phương, đem lại kết quả tích cực từ 65% năm 1993 xuống 6,7% năm 2018. Tuy nhiên chính những con số thống kê về ngân sách và hiệu quả làm các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính chính xác. Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội đưa việc giám sát về công tác giảm nghèo vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020.

Cũng trong sáng 09/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2018 và ước thực hiện các năm 2018; Đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016 - 2020; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và 3 năm 2019 - 2021 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội./.

Mỹ Phượng (quochoi.vn)