Quyết định 1996/QĐ-BTP 2021 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1996/QĐ-BTP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ, NGÀNH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2026”
____________
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 1212/QĐ-BTP ngày 30/05/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2026” với các nội dung sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1.1. Bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác truyền thông.
1.2. Công tác truyền thông phải luôn đi trước một bước, song hành và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Công tác truyền thông được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi, góp phần vào kết quả hoạt động, thành tựu chung của công tác Tư pháp.
1.3. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của các đơn vị thuộc Bộ, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành.
1.4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác truyền thông, bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
1.5. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ việc triển khai thực hiện Đề án với các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành và của từng đơn vị.
II. MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát
Giai đoạn năm 2021 - 2026, công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thông tin, truyền thông nhằm lan tỏa hình ảnh và những đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; hoạt động truyền thông được lồng ghép trong kế hoạch công tác của các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối với từng hoạt động của đơn vị;
- Chủ động cung cấp, phản hồi thông tin kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ và thu hút sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông và dư luận xã hội đối với hoạt động của Bộ, ngành; tăng tần suất, thời lượng xuất hiện thông tin, nâng cao chất lượng thông tin cung cấp đến người dân và xã hội.
- Đổi mới, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trên nền tảng số nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng trong xã hội; phối hợp sản xuất các chương trình (phóng sự, tin, bài…) phát sóng thường kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành.
- Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm đủ năng lực tham mưu tổ chức thực hiện công tác truyền thông tại các đơn vị; mở rộng mạng lưới thực hiện công tác truyền thông để khai thác, huy động nguồn lực cùng tham gia thực hiện.
- Thiết lập các phương thức phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Phạm vi của Đề án
Đề án triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2026, được thực hiện tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Nội dung truyền thông
- Đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
- Lịch sử truyền thống; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp qua các giai đoạn phát triển.
- Tình hình, kết quả hoạt động trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
- Những gương người tốt, việc tốt trong thực hiện các phong trào thi đua; những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp.
- Những nội dung khác được dư luận xã hội quan tâm.
2. Nhiệm vụ của Đề án
2.1. Nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ và Hệ thống Thi hành án dân sự về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; đổi mới việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông tại các đơn vị thuộc Bộ
a) Thường xuyên phổ biến, quán triệt các quy định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ;
- Sản phẩm: Hoạt động phổ biến, quán triệt các quy định, văn bản định hướng, hướng dẫn liên quan đến công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành được thực hiện đầy đủ, kịp thời;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Xác định nhiệm vụ truyền thông trong kế hoạch công tác của từng đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện gắn với chức năng của đơn vị để thông tin kịp thời, đầy đủ tới người dân và xã hội
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ;
- Sản phẩm: Kế hoạch công tác năm của các đơn vị xác định nhiệm vụ truyền thông cụ thể về số lượng, hình thức thực hiện;
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
2.2. Hoàn thiện các chính sách, quy định về công tác truyền thông trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tư pháp
a) Ban hành Kế hoạch, văn bản hướng dẫn, định hướng nội dung thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sản phẩm: Kế hoạch, các văn bản thực hiện công tác truyền thông được ban hành đảm bảo kịp thời, chất lượng;
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
b) Tổng kết 05 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và hệ thống Thi hành án dân sự (ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-BTP ngày 05/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh tình hình
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sản phẩm: Báo cáo Tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế (nếu có);
- Thời gian thực hiện: Quý IV/2022.
c) Xây dựng, ban hành Đề án “Số hóa lưu trữ điện tử hình ảnh, tư liệu về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp phục vụ công tác truyền thông”
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sản phẩm: Đề án được ban hành;
- Thời gian thực hiện: Quý IV/2021.
2.3. Đổi mới, đa dạng hóa các loại hình truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
a) Tăng số lượng và nâng cao chất lượng tin bài, chuyên trang, chuyên mục, thời lượng chương trình… trên các loại hình ấn phẩm của các đơn vị báo chí thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử thành phần và trên các phương tiện thông tin đại chúng của đất nước về các sự kiện, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật;
- Sản phẩm: Các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục… liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành tư pháp được tăng cường về số lượng, chất lượng trên các ấn phẩm báo chí, Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất chuyên mục liên quan trực tiếp đến công tác của Bộ, ngành phát định kỳ trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sản phẩm: Kế hoạch được ban hành; chuyên mục được xây dựng, phát sóng;
- Thời gian thực hiện: Năm 2022 - 2026.
c) Xây dựng “Bản tin Tư pháp” để phát, đăng tải định kỳ trên chuyên trang của Báo Pháp luật Việt Nam và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin;
- Sản phẩm: Các Bản tin được sản xuất và đăng tải;
- Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2026.
d) Cập nhật thường xuyên phiên bản tiếng Anh và nghiên cứu phát triển các phiên bản ngoại ngữ khác của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp nhằm phục vụ nhu cầu, tìm hiểu tiếp cận thông tin của cộng đồng quốc tế
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế;
- Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Sản phẩm: Phiên bản tiếng Anh của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp được cập nhật thông tin thường xuyên; đề xuất các phiên bản ngoại ngữ khác (nếu có);
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
e) Xây dựng hệ thống, mạng lưới thông tin, truyền thông trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự; thực hiện các phương thức truyền thông, thông tin phù hợp, hiệu quả gắn với việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính
- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Thi hành án dân sự;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan; các cơ quan báo chí, truyền thông;
- Sản phẩm: Phát triển mạng lưới thông tin, truyền thông trong toàn hệ thống thi hành án dân sự; các phương thức truyền thông được thực hiện phù hợp, hiệu quả.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2026.
g) Xây dựng, vận hành Kênh truyền hình pháp luật trực tuyến trên cơ sở phát triển Bản tin truyền hình pháp luật của Báo Pháp luật Việt Nam thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, phục vụ hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành và công tác phổ biến giáo dục pháp luật (theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”)
- Đơn vị chủ trì: Báo Pháp luật Việt Nam;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Sản phẩm: Trung tâm truyền hình pháp luật được thành lập, quản lý, vận hành, phát triển kênh truyền hình pháp luật trực tuyến hoạt động hiệu quả;
- Thời gian thực hiện: Năm 2022.
h) Giới thiệu các xuất bản phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành tư pháp trên các ứng dụng phần mềm (sử dụng trên điện thoại, vi tính…) và các nền tảng trực tuyến khác phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ công chức, viên chức và đông đảo bạn đọc trong cả nước, qua đó góp phần đưa hình ảnh của Bộ, ngành Tư pháp đến gần hơn với đời sống xã hội
- Đơn vị chủ trì: Nhà xuất bản Tư pháp;
- Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Sản phẩm: Hoạt động giới thiệu các xuất bản phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành tư pháp được thực hiện thường xuyên trên các ứng dụng phần mềm và các nền tảng trực tuyến;
- Thời gian thực hiện: Năm 2022 - 2026.
i) Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện “Giải thưởng báo chí 80 năm ngành Tư pháp” nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2025)
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Hội Nhà báo Việt Nam; Báo Pháp luật Việt Nam; các đơn vị thuộc Bộ có liên quan; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố;
- Sản phẩm: Kế hoạch và các hoạt động tổ chức “Giải thưởng báo chí 80 năm ngành Tư pháp”;
- Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.
2.4. Theo dõi, phản hồi và cung cấp thông tin cho báo chí
a) Theo dõi, tổng hợp, cập nhật kịp thời các thông tin về hoạt động của Bộ, ngành qua các loại hình báo chí và mạng xã hội
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Sản phẩm: Điểm tin báo được phát hành hàng ngày đảm bảo tính thời sự, chất lượng; thông tin về hoạt động của Bộ, ngành qua các loại hình báo chí và mạng xã hội được cập nhật thường xuyên, kịp thời;
- Thời gian thực hiện: Hằng ngày.
b) Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Họp báo thường kỳ và hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sản phẩm: Họp báo thường kỳ được tổ chức chất lượng, hiệu quả;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
c) Kịp thời phản biện, cải chính những thông tin sai lệch được báo chí, dư luận phản ánh liên quan đến Bộ, ngành
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ;
- Sản phẩm: Các thông tin phản biện, cải chính được đăng tải kịp thời;
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
d) Triển khai phần mềm tự động lọc thông tin phản ánh về hoạt động của Bộ, ngành trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin;
- Sản phẩm: Phần mềm được triển khai vận hành ;
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022.
2.5. Thiết lập cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo thuận lợi trong công tác cung cấp, tiếp nhận và phản hồi thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố;
- Sản phẩm: Cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí;
- Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2026.
2.6. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành
a) Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức các đơn vị làm công tác truyền thông; rà soát, bố trí đủ nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tham mưu thực hiện công tác truyền thông
- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Sản phẩm: Các đơn vị tham mưu thực hiện công tác truyền thông được kiện toàn tổ chức; bố trí đủ số lượng biên chế được giao;
- Thời gian thực hiện: Năm 2022 - 2023.
b) Xây dựng và củng cố mạng lưới cán bộ chủ chốt và công chức, viên chức đầu mối được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ;
- Sản phẩm: Các đơn vị tham mưu thực hiện công tác truyền thông được kiện toàn tổ chức, bố trí đủ số lượng biên chế được giao (riêng tại các đơn vị thuộc Bộ, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố: mỗi đơn vị bố trí ít nhất 01 cán bộ kiêm nhiệm công tác truyền thông);
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên;
c) Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho người thực hiện phát ngôn, đội ngũ lãnh đạo và công chức được giao nhiệm vụ theo dõi, tham mưu thực hiện công tác truyền thông tại các đơn vị
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Kế hoạch - Tài chính;
- Sản phẩm: Kế hoạch tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng;
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
3. Các giải pháp thực hiện Đề án
3.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
3.2. Chủ động, thường xuyên phối hợp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong việc nắm bắt, định hướng thông tin; tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp địa phương, cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin và phản hồi thông tin báo chí phản ánh đảm bảo đúng quy trình, kịp thời, hiệu quả và trong tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3.3. Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đưa vào khai thác hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ tối đa việc thực hiện công tác truyền thông của Bộ, ngành.
3.4. Kịp thời bố trí, bổ sung nhân sự cho đơn vị chuyên trách tham mưu thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Đề án.
3.5. Tăng cường đầu tư, bố trí kinh phí cho công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kết hợp ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án, tranh thủ huy động tối đa các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.
3.6. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện Đề án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thực hiện
1.1. Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ được nêu trong Đề án; xây dựng Kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện Đề án và tổ chức triển khai, đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án.
1.2. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà Xuất bản Tư pháp tích cực, chủ động nâng cao năng lực, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án này với các nhiệm vụ được giao tại các Đề án liên quan tới công tác thông tin, truyền thông khác mà đơn vị chủ trì. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí, truyền thông để hình thành, phát triển mạng lưới thông tin rộng khắp về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
1.3. Các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ và các cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ chủ động thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác, hiệu quả về các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác trọng tâm được người dân và xã hội quan tâm.
1.4. Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức triển khai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án này trong Hệ thống Thi hành án dân sự.
1.5. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ nghiên cứu, đề xuất các hoạt động hợp tác quốc tế và tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án.
1.6. Cục Kế hoạch - Tài chính bố trí, phân bổ nguồn kinh phí để phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Đề án theo quy định.
2. Kinh phí thực hiện
2.1. Kinh phí thực hiện Đề án này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực xã hội hóa, vận động tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện.
2.2. Các đơn vị thuộc Bộ được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Đề án này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí gửi Cục Kế hoạch - Tài chính hoặc Văn phòng Bộ (đối với những đơn vị do Văn phòng Bộ quản lý kinh phí chi thường xuyên) để thẩm định, tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Cục Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Bộ có trách nhiệm thẩm định, trình Bộ cấp kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên cơ sở thực tế tình hình quản lý ngân sách của Bộ và theo quy định của pháp luật; hướng dẫn cụ thể các đơn vị thuộc Bộ trong việc lập dự toán và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị khác thuộc Bộ; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |