Tư pháp độc lập là nội dung cốt lõi của cải cách tư pháp

18/01/2022 10:24:34

(PLO)- Hội thảo quốc gia đầu tiên về cải cách tư pháp do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì không chỉ phát đi thông điệp cải cách sẽ tiếp tục mà còn gợi mở những giải pháp cụ thể.

Sáng 17-1, hội thảo quốc gia chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp (CCTP) đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã diễn ra tại TP Đà Nẵng. Hội thảo do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng ba vị ủy viên Bộ Chính trị khác chủ trì.

Đối tượng của cải cách tư pháp là tòa án

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp - TS Hà Hùng Cường, trong bản viết tay về cảm nhận của mình khi được tham dự hai hội thảo cấp quốc gia phục vụ việc hình thành đề án Chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, bày tỏ: “Giới luật gia chúng tôi thấy Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về CCTP còn nguyên giá trị”.

Tư pháp độc lập là nội dung cốt lõi của cải cách tư pháp - ảnh 1
Hội thảo quốc gia về cải cách tư pháp. Ảnh: ĐẶNG PHƯỚC

Nhưng nguyên giá trị ấy, sau 17 năm triển khai, đến thời điểm này nội dung được khẳng định nhất, thống nhất nhất, là vị trí trung tâm của tòa án. Nói tới tư pháp tức là chỉ có tòa án, quyền tư pháp không thể chia sẻ cho bất cứ nhánh quyền lực nào.

Rút kinh nghiệm từ những thành công và thất bại trong quá trình triển khai Nghị quyết 49, ông Cường cho rằng phần chiến lược CCTP trong đề án chiến lược nhà nước pháp quyền tới đây “nên nói rõ đối tượng của CCTP là tòa án”. Trong đó, trung tâm là phải giải quyết cho được vấn đề tư pháp độc lập, độc lập xét xử của tòa án. Đi kèm với đó là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp.

Quá trình triển khai Nghị quyết 49 những năm qua đã mang lại những thành quả to lớn về thể chế bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án. Tham luận của nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao - PGS Trần Văn Độ dẫn Hiến pháp 2013 và hàng loạt luật quan trọng ban hành sau đó đã tạo ra cơ sở pháp lý khá tiến bộ để thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Cụ thể, Luật Tổ chức TAND đã kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán lên 10 năm, do Chủ tịch nước bổ nhiệm; đã hình thành mô hình Hội đồng tuyển chọn và giám sát thẩm phán quốc gia; chánh án tòa địa phương không còn phải “chịu trách nhiệm” trước HĐND mà chỉ báo cáo công tác…

Việt Nam đã tiến hành bốn cuộc cải cách tư pháp lớn:

- Lần thứ nhất (1945-1950): Đập tan hệ thống tư pháp cũ, xây dựng hệ thống tư pháp chế độ mới.

- Lần thứ hai (1950-1953): Xây dựng nền tư pháp nhân dân, dân chủ hóa bộ máy tư pháp, tăng cường tính nhân dân trong hoạt động xét xử, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động xét xử, giám sát hoạt động xét xử.

- Lần thứ ba (1959-1960): Tổ chức bộ máy tư pháp trong tổng thể cải cách bộ máy nhà nước XHCN theo mô hình Xô-Viết, nhằm thực hiện chức năng bảo vệ pháp chế và chế độ XHCN, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản XHCN, tính mạng, tài sản, tự do và nhân phẩm của công dân.

- Lần thứ tư (2002-2020): Thực hiện CCTP theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX.

GS HOÀNG THẾ LIÊNnguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp

 

Linh hồn của tòa án là thẩm phán

Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng vấn đề tổ chức tòa án theo cấp xét xử dù được Nghị quyết 49 đặt ra đã lâu nhưng vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Tòa địa phương vẫn phụ thuộc vào các cơ quan, đơn vị địa phương. Chánh án nằm trong cấp ủy, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán thông qua thường vụ cấp ủy địa phương giải thích tại sao tỉ lệ án hành chính xử sai, bị hủy cao hơn nhiều các loại án khác. Đại biểu HĐND ở nhiều nơi vẫn quán tính cũ, chất vấn chánh án về vụ án cụ thể.

 

Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, cơ chế quản trị nội bộ ngành tòa án, theo cựu phó chánh án TAND Tối cao, cũng chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán. Quan hệ quản lý dễ ảnh hưởng đến quan hệ tố tụng, hoặc sử dụng quan hệ tố tụng cho mục đích quản lý.

“Việt Nam chưa có cơ chế kỷ luật thẩm phán chặt chẽ, khách quan cũng như cơ chế cấm luân chuyển thẩm phán khỏi nhiệm vụ xét xử khi không có lý do chính đáng… Cùng với đó là tình trạng thẩm phán phải báo cáo án với chánh án trước khi xử, tranh thủ ý kiến của cấp có thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm để tránh nguy cơ án bị hủy, sửa. Điều này ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán” - ông Độ nói.

Về chế độ chính sách, thẩm phán vẫn được coi là công chức nhà nước bình thường thì dễ bị chi phối bởi hành chính mệnh lệnh, phục tùng. Chế độ tiền lương của thẩm phán chậm đổi mới là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới yêu cầu liêm chính. Hiến pháp, các luật đều có quy định nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp việc xét xử của tòa nhưng lại không có cơ chế bảo đảm thi hành.

Đề xuất thành lập hội đồng tư pháp quốc gia

Theo PGS Trần Văn Độ, trước mắt và có thể làm ngay là tiếp tục quán triệt sâu rộng quan điểm của Đảng, Nhà nước về nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đặc biệt là các quy định nghiêm cấm can thiệp vào hoạt động xét xử. Tự thân ngành tòa án cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác xét xử. Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng xây dựng bảng lương riêng cho thẩm phán. Phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ can thiệp vào hoạt động tư pháp để rút kinh nghiệm và răn đe chung.

Giải pháp đến năm 2030 là sửa đổi luật để tổ chức tòa án hoàn toàn theo cấp xét xử. Thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước đứng đầu có sự tham gia của các cựu thẩm phán có kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp. Hình thành cơ chế để Chủ tịch nước không chỉ bổ nhiệm mà còn thi hành kỷ luật thẩm phán.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đồng tình với nhóm giải pháp này, trong đó có mô hình Hội đồng tư pháp do Chủ tịch nước đứng đầu. Ông đề xuất hội đồng gồm 13-17 thành viên, có thẩm quyền điều chuyển, luân chuyển thẩm phán; nghiên cứu, đề xuất chính sách với tòa án…

Đây cũng là quan điểm của bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCTP Trung ương. “Thường trực ban chỉ đạo hồi trước từng xây dựng một đề án về Hội đồng tư pháp do Chủ tịch nước đứng đầu. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, quản trị tòa án. Có vậy thì TAND Tối cao mới tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn” - bà Thu Ba chia sẻ.

Còn để tổ chức tòa án theo cấp xét xử, bà Thu Ba cho rằng mô hình tòa sơ thẩm khu vực là giải pháp phù hợp. Lý do là ở nhiều tòa án huyện hiện nay, số lượng vụ việc xét xử mỗi năm rất ít. Nếu gom lại thì có thể tổ chức bộ máy bài bản, với số lượng thẩm phán đủ lớn, nâng cao tính chuyên môn hóa. Đến một lúc nào đó thì có thể chuyển toàn bộ thẩm quyền xét xử sơ thẩm án phức tạp, hiện thuộc thẩm quyền tòa án tỉnh, cho tòa khu vực.

Khó khăn, thách thức khi tổ chức mô hình tòa sơ thẩm khu vực

Vấn đề tổ chức tòa sơ thẩm khu vực đã được Nghị quyết 49 nêu ra từ lâu nhưng đến năm 2014, từ thực tiễn triển khai, Bộ Chính trị đã có Kết luận 92 trong đó yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hai phương án: Tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực; tổ chức tòa án sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết thời điểm xây dựng Nghị quyết 49, trình độ, năng lực thẩm phán thời đó còn yếu, phần nhiều cấp sơ thẩm là học chuyên tu, tại chức luật. Cơ sở vật chất cũng không đảm bảo cho công tác xét xử, vì vậy mới tính gộp vài tòa cấp huyện làm một để tập trung nhân lực, vật lực. Nay sau 17 năm, tình hình đã thay đổi nhiều, đội ngũ thẩm phán về cơ bản đã được chuẩn hóa, đều qua đào tạo cơ bản.

Một bất cập khác là những tòa sơ thẩm ít việc chủ yếu ở miền núi, vùng sâu. Nếu gộp lại thì người dân sẽ phải đi lại vất vả khi có việc liên quan tới tòa. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động của cơ quan điều tra, VKS (vốn vẫn theo địa hạt hành chính) như thế nào cho phù hợp với mô hình tòa gộp 2-3 huyện là không đơn giản. Ngay cả khi tổ chức tòa sơ thẩm khu vực thì tòa cấp tỉnh vẫn gắn với đơn vị hành chính, không giải quyết triệt để nguyên tắc tòa án tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.