Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Tiếp tục Phiên họp thứ 23, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, địa phương hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật được chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này có bố cục gồm 6 chương, 84 điều và 6 Phụ lục, kèm theo dự thảo Nghị quyết về thi hành Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của của dự thảo Luật và nguyên tắc áp dụng pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất giữ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; bổ sung thêm tên các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt vào tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh là về ba đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt theo kết luận của Bộ Chính trị, cụ thể là: “Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”; trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật, cụm từ “đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt” được gọi tắt là “đặc khu” để bảo đảm ngắn gọn, súc tích và thuận lợi cho việc thực thi.
Kết cấu dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên như Chính phủ trình, nhưng lồng ghép các nội dung quy định về chính sách đặc biệt đối với từng đặc khu tại Chương V vào Chương III và chỉnh lý tên gọi của Chương III thành “Cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu”; tách nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh thành một chương riêng (Chương V mới).
Nội dung về quy hoạch đặc khu trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, làm rõ vị trí, tính chất của quy hoạch đặc khu là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; mỗi đặc khu chỉ có một quy hoạch tổng thể, được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, có tính kết nối với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bổ sung các yêu cầu mang tính đặc thù đối với nội dung của quy hoạch đặc khu; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền, trình tự lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đặc khu (Chương II).
Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thấy rằng, các ngành, nghề ưu tiên phát triển là nội dung mang tính trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, do đó, cần được quy định rõ trong dự thảo Luật và hạn chế mở rộng nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu; chỉ xem xét, bổ sung những ngành nghề thực sự cần thiết theo đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát và thống nhất đề nghị: bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; bổ sung ngành, nghề sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, chỉnh lý về kỹ thuật thể hiện trong các phụ lục để bảo đảm chặt chẽ, hiểu thống nhất.
Về ưu đãi đối với dự án xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, tại cả ba đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu là 44.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ). Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Tại phiên họp, các nội dung liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu; văn phòng giúp việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đặc khu; cơ chế chính sách liên quan đến đất đai; chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư ở đặc khu… cũng được Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực. Do vậy phải thảo luận kỹ lưỡng về khía cạnh tài chính, ngân sách. Qua đó thấy được ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề kinh tế của ba đặc khu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời đề nghị, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cần rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. Vấn đề thu hút đầu tư không có nghĩa là Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. Mục đích xây dựng đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là dự án Luật khó, phức tạp, có nhiều nội dung nhạy cảm, được cử tri quan tâm. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tên gọi của dự án Luật là Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; thống nhất, chính quyền đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu với bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ cụ thể. Phân cấp, phân quyền rõ cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đặc khu, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí không tổ chức cấp phường, xã ở 3 đặc khu này mà chỉ tổ chức Trưởng khu hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu bổ nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bảo đảm tính khả thi, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế… Trên cơ sở thảo luận tại Phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự tại Kỳ họp thứ Năm.
Thu Phương - Trọng Quỳnh (quochoi.vn)