Ủy quyền và các trường hợp không được ủy quyền

05/08/2019 16:37:07

Ths. NGUYỄN VĂN ĐIỀN (VKSND thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - Trong đời sống xã hội các chủ thể có thể tự mình thực hiện các công việc hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trong phạm vi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, có nhiều quan hệ không được ủy quyền cho người khác.

1.Khái quát về ủy quyền

Trong đời sống xã hội các chủ thể có thể tự mình thực hiện các công việc hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trong phạm vi pháp luật cho phép. Đầu tiên, ta phải khẳng định uỷ quyền không phải là một dạng giao việc. Uỷ quyền được hiểu là cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc cho phép, uỷ quyền đó. Ủy quyền là trường hợp đại diện được xác lập dựa trên ý chí của hai bên, bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Ủy quyền được tiến hành thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền quy định về nội dung ủy quyền, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của người được ủy quyền, người ủy quyền. Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

Hoạt động ủy quyền không tồn tại mãi mãi, nó chấm dứt khi xảy ra những sự kiện pháp lý nhất định. Hoạt động ủy quyền chấm dứt khi: Thứ nhất, thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã được hoàn thành. Thứ hai, người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc nhận ủy quyền. Trường hợp này quan hệ ủy quyền chấm dứt theo ý chí của các chủ thể khi xuất hiện điều kiện để các bên hủy bỏ ủy quyền hoặc từ chối việc nhận ủy quyền. Thứ ba, người ủy quyền hoặc người nhận ủy quyền chết (cá nhân), không còn tồn tại (pháp nhân); bị tòa án hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố chết. Khi hoạt động ủy quyền chấm dứt, mọi hậu quả pháp lý phát sinh do người được ủy quyền xác lập, thực hiện đều không có giá trị pháp lý đối với người đã ủy quyền.

2.Các trường hợp không được ủy quyền theo quy định pháp luật hiện hành

2.1.Trong quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình.

Thứ nhất, đăng ký kết hôn. Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Quyết định 3814/QĐ-BTP thì khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt.

Thứ hai, ly hôn. Đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Thứ ba, đăng ký nhận cha, mẹ, con. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt (khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014).

Thứ tư, công chứng di chúc của bản thân. Theo quy định tại Điều 56 Luật công chứng 2014 thì: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Thứ năm, không được ủy quyền cho người có quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015: Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.

Thứ sáu, không được ủy quyền cho người đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015: Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền).

2.2.Trong quan hệ hình sự

Thứ nhất, nhận tội thay mình: Theo tinh thần của Bộ luật hình sự (BLHS), thì việc quy định các chế tài xử lý là nhằm mục đích răn đe, giáo dục người có hành vi phạm tội. Do vậy, nếu như cho phép ủy quyền người khác nhận tội thay mình thì không thể hiện đúng bản chất, mục đích của việc ban hành BLHS.

Thứ hai, các trường hợp không được ủy quyền trong tố tụng hình sự:

Một là, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 36 BLTTHS 2015).

Hai là, cấp trưởng, cấp phó cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (điểm đ khoản 1 và khoản 5 Điều 39 BLTTHS 2015).

Ba là, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 41 BLTTHS 2015).

Bốn là, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 44 BLTTHS 2015).

2.3.Trong quan hệ hành chính

Thứ nhất, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không được ủy quyền (khoản 4 Điều 59 Luật đất đai 2013).

Thứ hai, trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba (Khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Thứ hai, trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba (Khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Thứ ba, Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp (khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015).

Thứ tư, Cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước ở địa phương nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền (khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015).

Thứ năm, cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2. Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp (khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009).

Thứ sáu, người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay mình tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân (điểm b khoản 3 Điều 15, điểm b khoản 2 Điều 26, điểm b khoản 3 Điều 60, điểm b khoản 2 Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015).

2.4.Trong quan hệ kinh tế

Thứ nhất, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng là hợp tác xã không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (khoản 5 Điều 81 Luật Các tổ chức tín dụng 2010).

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không được ủy quyền quyết định trưng mua tài sản (Khoản 3 Điều 14 Luật Trưng mua trưng dụng tài sản 2008).

Thứ ba, Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản (Khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).

Thứ tư, Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ theo quy định (Điểm a, khoản 1, Điều 8 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN, Khoản 2 Điều 1 Quyết định 47/2006/QĐ-NHNN).

Thứ năm, cá nhân không được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (Công văn 5749/CT-TNCN) trong các trường hợp:

Một là, cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền quy định tại điểm 1 nêu trên nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).

Hai là, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị nhưng vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế không làm việc tại tổ chức đó. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).

Ba là, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại nhiều nơi.

Bốn là, cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi).

Năm là, cá nhân chưa đăng ký mã số thuế

Sáu là, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

-----------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1.Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. Công an nhân dân 2018

2.Một số Bộ luật, Luật Nước CHXHCN Việt Nam hiện hành.

3.Các Quyết định, thông tư hướng dẫn Bộ luật, Luật Nước CHXHCN Việt Nam hiện hành hiện hành.

https://tapchitoaan.vn